Ngày 27 tháng 03 năm 2023, Rolls-Royce kỷ niệm 160 năm ngày sinh nhà đồng sáng lập thương hiệu - Sir Henry Royce.
Triết lý không thoả hiệp của Sir Henry Royce, “Hãy cố gắng đạt được sự hoản hảo trong mọi việc bạn làm. Lấy những gì tốt nhất hiện có và làm cho nó tốt hơn.” là một trong những câu danh ngôn nổi tiếng nhất trong lịch sử ô tô. Đó cũng là câu châm ngôn vang vọng muôn đời, tiếp tục truyền cảm hứng và là kim chỉ nam cho công ty mang tên ông.
Nhân dịp Rolls-Royce kỷ niệm 160 năm ngày sinh của Sir Henry, hãy cùng nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp phi thường của ông, để tìm kiếm nguồn gốc của câu triết lý nổi tiếng, được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất của ngài. Điều gì đã thúc đẩy tinh thần phấn đấu suốt đời để đạt được sự hoàn hảo đó? Và làm thế nào mà khao khát cải thiện và hoàn thiện không ngừng, đến mức ám ảnh ấy hiện hữu trong cả công việc và cuộc sống cá nhân của ngài?
TINH THẦN KHÔNG NGỪNG CẢI THIỆN
Cuộc sống thuở ban đầu của Royce đầy những khó khăn, nghèo đói và thiệt thòi. Sinh ra vào năm 1863, ông là con út trong một gia đình có 5 anh chị em. Thuở ban đầu, gia đình ông gặp nhiều khó khăn về tài chính. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi cha ông, một người thợ phay, bị tuyên bố phá sản và phải ngồi tù, theo luật thời đó.
Chính trong nghịch cảnh này, tính cách của Royce đã được hình thành. Ông đã quyết tâm tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình. Khi mới 10 tuổi, ông đã bắt đầu mưu sinh bằng nghề bán báo và sau đó là chuyển phát điện tín ở London.
Mọi thứ dường như đang tiến triển theo mong muốn của ông khi vào năm 1879, với sự hỗ trợ tài chính từ người dì của mình, Royce đã giành được một suất học việc đáng mơ ước tại các xưởng thuộc Công ty Đường sắt Great Northern Railway (GNR) ở Peterborough. Ngay lập tức, ông đã thể hiện năng khiếu tự nhiên về thiết kế và kỹ năng bẩm sinh với các công cụ và vật liệu. Một dấu hiệu ban đầu về tài năng của ông nằm ở bộ ba chiếc xe cút kít thu nhỏ mà ông đã làm bằng đồng thau; những tác phẩm này thể hiện rõ ràng tiêu chuẩn mẫu mực về tay nghề thủ công và tinh thần theo đuổi sự xuất sắc mà ông ấy sẽ duy trì trong suốt cuộc đời của mình.
CUỘC ĐỜI ĐẦY THĂNG TRẦM
Quyết định từ bỏ kỹ thuật truyền thống để chuyển sang lĩnh vực điện mới nổi này hoàn toàn là một quyết định có phần thực dụng của ông. Thời kỳ đó, điện năng còn quá mới mẻ nên chưa có cơ quan quản lý hay tổ chức chuyên nghiệp nào, và vì vậy không yêu cầu ứng viên phải vượt qua kỳ thi nào hoặc đạt được một tiêu chuẩn cụ thể. Do đó, không giống như trong lĩnh vực kỹ thuật, việc Royce không có bằng cấp chính thức không phải là rào cản đối với sự phát triển của ông.
Với niềm đam mê sâu sắc đối với ngành học, đạo đức nghề nghiệp đáng gờm và tinh thần học tập chăm chỉ (ông đã tham gia các lớp học buổi tối môn tiếng Anh và Toán sau giờ làm việc), vào năm 1882 EL&PG, lúc này đã đổi tên thành Maxim-Weston Electric Company, đã gửi Royce đến làm việc cho công ty con của hãng ở Lancashire với tư cách là (Trưởng) Thợ điện đứng đầu, chịu trách nhiệm về hệ thống chiếu sáng đường phố và nhà hát ở thành phố Liverpool. Tuy nhiên, một lần nữa, ông phải đối mặt với nghịch cảnh: do quản lý yếu kém trong việc mua lại các bằng sáng chế, công ty đột ngột bị thu hồi và Royce, khi đó mới 19 tuổi, lại một lần nữa rơi vào cảnh thất nghiệp.
KHỞI NGHIỆP
Mặc dù công ty mẹ của ông cố gắng cứu vãn những gì có thể thay vì bán bớt những tài sản còn lại, Royce đã quyết định ra đi. Là một người liều lĩnh, tham vọng, với lòng tin mãnh liệt vào bản thân (được những người cùng thời ghi nhận), ông đã tự mình khởi nghiệp kinh doanh.
Cuối năm 1884, ông thành lập F H Royce & Co (đặt theo tên thánh của ông – Frederick Henry) ở Manchester. Ban đầu chỉ sản xuất các mặt hàng nhỏ như chuông cửa chạy bằng pin, công ty đã dần tiến tới sản xuất các thiết bị hạng nặng như cần cẩu trên không và cái tời chuyển hướng đường sắt.
Tuy nhiên, trong khi công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, bản thân Royce lại không được như vậy. Đến năm 1901, những năm tháng làm việc quá sức và cuộc sống gia đình căng thẳng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông, vốn có lẽ đã bị suy yếu do những thiếu thốn trong thời thơ ấu.
Bác sĩ đã thuyết phục ông mua một chiếc De Dion bốn bánh như một cách để thoát khỏi không gian văn phòng bức bối và tận hưởng không khí trong lành; nhưng chẳng bao lâu sau, sức khỏe của Royce suy sụp. Nguyên nhân chủ yếu là mối lo ngại ngày càng tăng cao về tình hình tài chính của công ty; đây có lẽ là điều vô cùng ám ảnh đối với ông bởi cha ông cũng từng bất lực trước tình cảnh tương tự.
Trước dòng máy móc điện giá rẻ, hoặc ít nhất là rẻ hơn các sản phẩm của Royce, đến từ Đức và Mỹ, tình hình phát triển của công ty ngày càng suy giảm. Vốn là người cầu toàn, bản thân Royce không sẵn sàng tham gia đến cùng một cuộc đua mà ông có thể phải làm giảm chất lượng sản phẩm của mình để tăng sự cạnh tranh.
Đồng thời, tình hình sức khoẻ ông khi đó cũng yêu cầu ông cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, và cuối cùng ông đã bị thuyết phục nghỉ 10 tuần để thăm gia đình vợ ở Nam Phi. Trên chuyến hành trình dài về nhà, ông đã đọc quyển ‘The Automobile – its construction and management’ (Tạm dịch: Ô tô – xây dựng và quản lý). Cuốn sách này sẽ thay đổi cuộc đời ông ấy – và cả thế giới.
LÀM CHO NHỮNG THỨ TỐT NHẤT HIỆN CÓ TRỞ NÊN TỐT HƠN
Khi trở về Anh, Royce – lúc này đã hoàn toàn hồi phục cả về tinh thần và thể chất – ngay lập tức mua chiếc ô tô đầu tiên của mình, một chiếc 10 H.P. Decauville. Trước tình trạng tài chính còn nhiều khó khăn của công ty, điều này có vẻ như là một sự phung phí vô ích vào nguồn tiền quý giá. Trên thực tế, đây là một vụ mua bán khôn ngoan và có tính toán, và chiếc xe, theo suy nghĩ của ông, nắm giữ chìa khóa cho sự thịnh vượng của công ty trong tương lai.
Câu chuyện thường kể rằng chiếc xe đầu tiên này được chế tạo quá tồi tệ và không đáng tin cậy đến nỗi Royce quyết định rằng mình có thể làm tốt hơn. Trên thực tế, cuốn sách ông đọc trong kỳ nghỉ của mình đã truyền cảm hứng cho ông, và Royce đã quyết tâm chế tác một chiếc ô tô của riêng mình. Trước đó, ông từng cung cấp một số lượng hạn chế động cơ điện cho hãng ô tô điện ‘Pritchett và Gold’. Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ thông thường, ông lại chọn mua Decauville, đơn giản bởi vì đây là chiếc xe tốt nhất dành cho ông thời bấy giờ, để có thể dễ dàng tháo dỡ nó và sau đó, theo câu nói nổi tiếng nhất của ông, “lấy những gì tốt nhất hiện có và làm cho nó tốt hơn”.
Ông ấy bắt đầu bằng việc chế tạo ba chiếc ô tô 10 H.P. dựa trên kết cấu của Decauville. Việc ông ấy là người duy nhất tin rằng hướng đi mới này có thể cứu vãn công ty là một dấu hiệu khác cho thấy sự kiên trì và tự tin của ông. Điều quan trọng không kém là sự chú ý, tỉ mỉ của ông đến từng chi tiết trong thiết kế và sản xuất, cùng với việc liên tục xem xét các thành phần sau khi phân tích. Kết quả là một khuôn mẫu sản xuất, mà ông sẽ tuân theo cho đến cuối đời, đã được thiết lập.
Tiếp nối những ví dụ đầu tiên này là phiên bản ba xi-lanh 15 H.P., bốn xi-lanh 20 H.P. và sáu xi-lanh 30 H.P. – mỗi chiếc trong số đó đại diện cho những tiến bộ đáng kể trong thiết kế ô tô. Năm 1906, hai năm sau khi thành lập Rolls-Royce, Giám đốc điều hành Claude Johnson đã thuyết phục Royce áp dụng chính sách ‘một mẫu xe duy nhất’. Đáp lại đề xuất đó, Royce đã thiết kế mẫu ‘Silver Ghost’ 40/50 H.P., chiếc xe đã giành được danh hiệu bất hủ “chiếc xe tốt nhất thế giới”.
NƠI Ở VÀ LÀM VIỆC
Đến năm 1906, rõ ràng là nhà máy của Rolls-Royce ở Cooke Street, Manchester không còn có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất ô tô đang mở rộng nhanh chóng của công ty. Rolls-Royce đã mua một địa điểm sản xuất mới trên Nightingale Road ở Derby, nơi Royce thiết kế và giám sát việc xây dựng một nhà máy hoàn toàn mới, dành cho việc chế tác các sản phẩm của thương hiệu. Royce đã đảm nhận nhiệm vụ to lớn và phức tạp về mặt kỹ thuật này, bên cạnh khối lượng công việc chính của mình, và đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe từ tất cả những nhân lực liên quan, bao gồm bản thân ông ấy.
Với khối lượng và tốc độ làm việc không ngừng nghỉ như vậy, không đáng ngạc nhiên khi sức khỏe của ông lần thứ hai rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng vào năm 1911. Một lần nữa, ông đã được bác sĩ yêu cầu phải nghỉ ngơi, và trong suốt mùa hè và mùa thu đó, Johnson đã chở ông trên một chuyến đi kéo dài đến tận Ai Cập. Trên hành trình trở về, họ dừng lại ở miền nam nước Pháp, nơi Royce thể hiện sự yêu thích với ngôi làng nhỏ Le Canadel, gần Nice. Là một con người của hành động, Johnson đã mua một lô đất và xây căn nhà mới cho Royce, bao gồm một biệt thự nhỏ hơn dành cho những người thợ vẽ và trợ lý đến thăm. Bản thân Royce đương nhiên rất quan tâm đến việc xây dựng căn nhà này, và ông đã ở tại một khách sạn gần đó để tiện theo dõi.
Mặc dù vậy, sức khỏe của ông vẫn vô cùng nghiêm trọng. Sau một lần tái phát dẫn đến cuộc phẫu thuật khẩn cấp ở Anh, ông trở về ngôi nhà đã xây xong để hồi phục sức khỏe. Trong phần còn lại của cuộc đời, ông (như một lẽ hiển nhiên) đã trải qua mùa đông của mình tại Le Canadel và mùa hè ở miền nam nước Anh.
Từ năm 1917, ông chuyển về Anh, nơi ông sống tại Elmstead – một ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 18 ở làng West Wittering trên bờ biển Sussex, chỉ cách Home of Rolls-Royce tại Goodwood ngày nay 8 dặm. Elmstead sở hữu một số mảnh đất liền kề, nơi Royce tiếp tục sở thích trồng cây ăn quả lâu năm của mình. Đương nhiên, ông cũng áp dụng triết lý theo đuổi sự hoàn hảo trứ danh vào hoạt động này, và nhanh chóng trở thành chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của nông nghiệp và trồng trọt.
Bản chất cầu toàn của ông tiếp tục được thể hiện trong cuộc sống tại Elmstead: ông chú ý đến những hành động dù là nhỏ nhất của người khác. Ví dụ, bất kỳ đầu bếp nào sẽ chỉ được tuyển dụng nếu họ luộc khoai tây ‘đúng’ cách – giống như một người lao công kém may mắn tại nhà máy Cooke Street đã từng bị ông nhắc nhở và hướng dẫn cách sử dụng chổi đúng cách.
MỘT DI SẢN TUYỆT VỜI
Cho dù là thiết kế các bộ phận xe hơi hay động cơ máy bay, tinh thần theo đuổi sự hoàn hảo của Royce không bao giờ suy giảm; nhưng ngay cả bản thân ông cũng thừa nhận rằng trên thực tế, điều đó là không thể đạt được. Câu thần chú của ông dành cho các nhân viên tại xưởng thiết kế của mình là ‘Xóa bỏ, thay đổi, cải thiện, tinh chỉnh’, và kết quả của quá trình cải tiến và phát triển không ngừng đó là một số thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất của ông. Dưới sự chỉ đạo của ông, động cơ hàng không Buzzard được chế tạo vào năm 1927 với công suất ban đầu là 825 H.P., chỉ trong bốn năm, đã được chuyển đổi thành động cơ ‘R’ từng đoạt giải Schneider Trophy. Ở phiên bản cuối cùng, động cơ này có khả năng sản sinh lên đến 2.783 H.P. Không chỉ vậy, thiết kế phác thảo của ông cho động cơ V12 đã xuất hiện dưới dạng gần như không thay đổi trong Phantom III vào năm 1936, ba năm sau khi ông qua đời.
Thói quen làm việc quá sức của Royce, mà ông thường phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình, là dấu hiệu cho thấy ông luôn tìm kiếm sự hoàn hảo, và ý chí để đạt được điều đó đã được tôi luyện trong khó khăn và nghịch cảnh. Ông là một người có quyết tâm cao – đến mức gần như ám ảnh – một người đàn ông đã vượt qua nhiều thất bại và bất hạnh. Ông đã áp dụng cái nhìn tỉ mỉ của một kỹ sư, đầu óc ham học hỏi và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Và tất cả những phẩm chất đó trở thành sức mạnh cho triết lý và huyền thoại của ông, những giá trị vẫn tiếp tục là kim chỉ nam, truyền cảm hứng cho công ty mang tên ông 160 năm sau ngày sinh của ngài.
TH (Tuoitrethudo)