- Khoảng 80-90% nguyên liệu sản xuất linh kiện phải nhập khẩu
- Nhu cầu tiêu thụ ôtô sẽ bùng nổ
- Chính phủ yêu cầu nghiên cứu việc giảm 50% phí trước bạ ôtô trong nước
Theo Bộ Công Thương mới đây đã chỉ ra nguyên nhân lớn nhất khiến giá ô tô tại Việt Nam ở mức cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực và trên quốc tế.
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ôtô nhập khẩu.
Theo đó, cơ quan này cho biết tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô với sản lượng sản xuất lắp ráp đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Tổng công suất lắp ráp của các nhà máy tại Việt Nam khoảng 755.000 xe/năm
“Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện là thị trường ôtô tiềm năng hàng đầu của khu vực ASEAN. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực về phát triển công nghiệp sản xuất ôtô thì Việt Nam chịu thiệt thòi vì phải hội nhập khu vực khi thị trường còn nhỏ để tổ chức sản xuất kinh doanh quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá xe cao”, Bộ đánh giá.
Khoảng 80-90% nguyên liệu sản xuất linh kiện phải nhập khẩu
Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
“Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ôtô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản”, Bộ cho biết.
Theo cơ quan này, nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao là do thuế và phí cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp.
Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự bằng xe nhập khẩu; chưa tạo được sự hợp tác – liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất – lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện…
Bộ Công Thương đánh giá các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Ảnh: Việt Linh.
Về tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa như: Săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện… Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện phải nhập khẩu.
“Năng lực yếu kém của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là điều đáng lưu tâm. Các nhà sản xuất khuôn mẫu hoặc có quy mô nhỏ hoặc thiếu sự liên kết phối hợp để phát triển…”, Bộ đánh giá.
Về nguyên nhân khiến cho ngành ôtô còn nhiều chưa đạt được tiêu chí, Bộ Công Thương cho rằng do dung lượng thị trường nội địa hạn chế.
Thị trường nhỏ và bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp, nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt, doanh nghiệp phụ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất ôtô ở nước ngoài.
GDP bình quân đầu người chưa đủ để đa số người dân sở hữu ôtô. Bởi theo tính toán, mức bình quân phải đạt 4.000 USD/năm mới có thể thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp ôtô phát triển nhanh chóng.
Các quốc gia có trình độ phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã có chính sách thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, gây sức ép cạnh tranh lên ngành ôtô Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn cho rằng chính sách phát triển công nghiệp ôtô không đồng bộ, ổn định.
Chưa chủ động về các vật liệu cơ bản, năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn thấp; việc thu hút các nguồn vốn FDI không có các cơ chế ràng buộc; hệ thống giao thông yếu kém…
Nhu cầu tiêu thụ ôtô sẽ bùng nổ
Tại Việt Nam, xu thế ôtô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới do GDP bình quân đã vượt 4.000 USD và số xe trung bình đã đạt trên 1.000 dân đã đạt khoảng 50 xe. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ôtô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến 2025.
Dự báo nhu cầu ôtô của nước ta năm 2025 trung bình khoảng 800.000-900.000 xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe.
Tuy nhiên, cơ quan này nhận định, thị trường đang chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN; Một số quốc gia trong khu vực đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ôtô lớn; Chịu sự cạnh tranh từ các nước đi sau như Myanmar, Lào, Campuchia…
Thị trường ôtô Việt đang chịu sự cạnh tranh từ ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN. Ảnh: T.T.
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng cần có thêm ưu đãi, hỗ trợ cho những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô có tiềm năng, có sản lượng đủ lớn, đầu tư bài bản và dài hạn để hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam nhằm tạo dựng thị trường cho công nghiệp và góp phần hạ giá bán xe.
Cơ quan này kiến nghị không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ôtô nhập khẩu để thực hiện chương trình ưu đãi thuế…
“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu Chính phủ và các bộ, ngành không kịp thời có những giải pháp phù hợp như bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu để khuyến khích, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ôtô cho các hãng FDI tại Việt Nam”, Bộ Công Thương nhìn nhận.
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu việc giảm 50% phí trước bạ ôtô trong nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2 trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp…
Nhiều doanh nghiệp muốn giảm 50% thuế trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh: Việt Linh.
Chỉ đạo được đưa ra trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm, các hãng sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước dần đối mặt với khó khăn, kéo theo sản xuất bị ảnh hưởng.
Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Theo đó, các cơ quan này đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Việc doanh số thị trường ôtô sụt giảm mạnh kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành cơ khí cũng bị ảnh hưởng nặng. Ảnh: Việt Linh.
Về thị trường bất động sản, tại Nghị quyết ban hành, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, đối với từng dự án bất động sản cụ thể; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững, trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số, dịch vụ ăn uống, cửa hàng bán lẻ…; tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.
“Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, người dân áp dụng cho năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng; báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3”, Chính phủ yêu cầu.
Đồng thời, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.
Đặc biệt, có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống…
Theo Zingnews