Sản xuất ô tô về cơ bản là cuộc đua tốc độ, nhưng điều đó không áp dụng với thương hiệu siêu xe nước Pháp Bugatti. Để tạo ra vẻ ngoài gần như hoàn hảo trên những siêu xe đắt tiền, hãng mất khoảng 600-700 giờ (tương đương một tháng) để sơn hoàn thiện cho mỗi chiếc xe.
Để làm ra một chiếc Bugatti có thể tốn hàng tháng trời
Simon Vetterling, chuyên gia sơn và hoàn thiện thân xe của Bugatti, cho biết: “Sơn một siêu xe thể thao Bugatti không chỉ đòi hỏi chuyên môn cao mà còn phải luôn đáp ứng các tiêu chuẩn khó tin của thương hiệu, bất kể xe nào, bất kể ngày tháng nào”.
Trước khi lớp sơn lót đầu tiên phun lên xe, các chuyên gia Bugatti phải kiểm tra từng tấm thân. Phun sơn có chuyên nghiệp cỡ nào mà lớp vỏ sần sùi hay bị rỗ thì chẳng còn ý nghĩa gì.
Sau khi kiểm tra thấy không có lỗi, những người thợ thủ công bậc thầy sẽ sơn lót, rồi chà nhám để đạt độ nhẵn hoàn hảo, nhằm ngăn chặn sự hình thành của bất kỳ sự sần sùi hay vết lõm nào từ chính lớp sơn.
Những lỗi này đôi khi không thể nhìn thấy được, và sẽ thường bị bỏ qua nếu không được chú ý.
Chỉ riêng việc đó đã mất 100 giờ và sẽ mất thêm 100 giờ nữa trước khi lớp màu đầu tiên được sơn lên. Trước đó, các họa sĩ sơn một lớp phủ bóng, tiếp tục chà nhám, rồi lại một lớp phủ bóng, chà nhám để mang lại độ sâu và độ sáng cho lớp màu cuối cùng.
Sau khi sơn xong các lớp màu, từng tấm thân sẽ được kiểm tra. Nếu một tấm có màu hơi tối hay hơi sáng hơn những tấm khác, tấm đó sẽ được sơn lại ở xưởng.
Bugatti nói rằng đảm bảo màu sắc nhất quán giữa các tấm thân xe là thách thức lớn vì thân có thể được làm từ vật liệu khác nhau.
Vỏ xe đôi khi là sự kết hợp của kim loại ở phần này và sợi carbon ở phần khác. Vì vậy, thợ thủ công mất nhiều thời gian để hoàn thiện từng tấm.
Nhưng đến đây chưa phải đã xong. Sau khi sơn đạt tiêu chuẩn, các tấm thân sẽ trải qua 4 ngày đánh bóng.
Sau đó, Bugatti sẽ kiểm tra trong đường hầm ánh sáng 10 giờ để tìm ra những khuyết điểm nhỏ nhất. Tất cả đều nhằm mục đích tạo ra lớp sơn hoàn thiện hoàn hảo.
Ở Bugatti, sơn xe giống như vẽ một kiệt tác
Christophe Piochon, chủ tịch Bugatti, cho biết Ettore Bugatti lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ, ô tô chính là “những bức vẽ” của ông.
Piochon nói: “Ông ấy đã coi chúng là tác phẩm nghệ thuật trước khi ra mắt. Chúng tôi vẫn lưu giữ điều đó ở Bugatti cho đến ngày nay, đảm bảo rằng mọi thiết kế và sản xuất đều được hoàn thiện với sự cống hiến hết mình cho tính thẩm mỹ”.
Một số kiệt tác Bugatti từng tạo nên:
Bugatti Chiron Profilée – chiếc xe đắt nhất từng được bán đấu giá.
Bugatti Chiron màu trắng tuyết độc đáo.
Bugatti W16 Mistral – siêu phẩm mui trần giá 5 triệu USD.
Bugatti Veyron 16.4 Super Sport kết hợp màu đen và vàng theo kiểu yêu thích của người sáng lập.
Bugatti Chiron Super Sport với những bộ cánh độc đáo dưới ánh mặt trời Trung Đông: màu nắng Tangerine kết hợp đen Black Carbon, màu xanh Azzurro California cùng màu cam Arancia Mira, màu xanh Matt Blue Royal Carbon kết hợp Turquoise Carbon và màu Brown Carbon kết hợp màu đồng Copper.
Bugatti Chiron Pur Sport màu xanh Viper Green ở Paris vừa ra mắt cách đây không lâu.
Bugatti Centodieci được chế tạo khớp chính xác với chiếc xe EB110S Le Mans 1994 – chiếc EB110 duy nhất từng tham gia cuộc đua sức bền Le Mans 24h.
Bugatti thuê hẳn chuyên gia đo đạc để đảm bảo mọi siêu xe của mình đều hoàn hảo đến từng milimet
Bugatti tận tâm theo đuổi sự hoàn hảo đến mức thuê hẳn một chuyên gia đo lường giàu kinh nghiệm để đảm bảo mỗi chiếc xe xuất xưởng sẽ đạt đến mức hoàn hảo nhất có thể.
Theo đó, Bugatti đã thuê ông Gregoire Haller-Meyer – một chuyên gia đo lường, người sẽ sử dụng các phép đo để đảm bảo quy trình hoặc sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất.
Gregoire Haller-Meyer chịu trách nhiệm đo đạc và phân tích tất cả các bộ phận, linh kiện trên xe để đảm bảo chúng khớp nhau hoàn hảo.
“Tôi phải tìm ra lý do tại sao khi khoảng cách giữa hai bộ phận lệch khỏi dung sai quy định chỉ một milimet,” ông Gregoire Haller-Meyer chia sẻ.
Sai số chỉ 1mm có thể dẫn tới tiếng ồn lớn gây ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng, nhất là khi xe vận hành ở tốc độ cao.
Chuyên gia đo lường của Bugatti phải sử dụng kết hợp các công cụ thủ công và máy quét 3D có độ chính xác cao với độ chính xác lên tới 0,005 mm.
Khi Gregoire Haller-Meyer phát hiện ra một bộ phận có cấu trúc hoặc vị trí sai lệch so với các số đo đã quy định của Bugatti, nhiệm vụ của ông là tìm ra nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề.
Sau đó, ông sẽ trao đổi về những phát hiện của mình với các kỹ sư và thợ thủ công của Bugatti để thay thế một bộ phận mới hoặc điều chỉnh chúng lại cho đúng tỷ lệ.
Haller-Meyer cho biết: “Việc đo lường các thành phần chỉ là một phần công việc của tôi. Một phần khác trong công việc của tôi liên quan đến việc phân tích dữ liệu để đảm bảo độ hoàn thiện cao tuyệt đối của những chiếc siêu xe thể thao mà chúng tôi tạo ra cũng như liên tục cải thiện các tiêu chuẩn chất lượng.”
Chi tiết Bugatti Bolide – Siêu phẩm “điên rồ” 1825 mã lực, trên 500 km/h | Tạp Chí Siêu Xe
Theo: Tuoitre