Trước sự cạnh tranh gay gắt của các hãng xe điện nội địa, Tesla đang dần đánh mất lợi thế 'kẻ tiên phong' của mình tại thị trường Trung Quốc.
Zhang Hua đã mất tới 3 tháng xem xét hàng tá mẫu xe ô tô điện trước khi quyết định từ bỏ chiếc Honda Civic 8 năm tuổi của mình.
Vốn là nhà nghiên cứu tại Đại học giao thông Thượng Hải, Zhang đã lùng sục kỹ khắp các trang web để cân nhắc ưu và nhược điểm của một số mẫu ô tô điện ăn khách. Cuối cùng, anh quyết định mua chiếc sedan P7 do công ty start-up XPeng sản xuất.
Zhang Hua cho hay chiếc xe điện XPeng P7 này đã thuyết phục được anh bởi hệ thống hỗ trợ người lái thông minh và tính năng ra lệnh bằng giọng nói. Số tiền mà Zhang Hua bỏ ra để mua chiếc xe điện “made in China” này là 250.000 NDT (tương đương 825 triệu đồng) – một con số không hề nhỏ.
“Xe điện thông minh do các hãng xe Trung Quốc hiện là lựa chọn hàng đầu của nhiều người tiêu dùng trung lưu vì công nghệ và dịch vụ của họ đáp ứng được nhu cầu của chúng tôi”, Zhang Hua chia sẻ.
Zhang Hua không phải là người duy nhất nghĩ vậy. Có không ít người mua ô tô tại Trung Quốc đã đổ xô đến các showroom của BYD, Nio, XPeng, Li Auto và nhiều nhà sản xuất ô tô điện nội địa khác để mua xe.
Trước sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thương hiệu nội địa, Tesla không còn là mẫu xe điện được ưa chuộng nhất ở Trung Quốc mà đã rớt xuống vị trí thứ 10. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện bởi JD Power vào cuối năm ngoái.
Cũng theo cuộc khảo sát này, những cái tên như Nio, XPeng hay Li Auto đang dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nội địa.
David Zhang, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Công nghiệp Ô tô tại Đại học Công nghệ Bắc Trung Quốc, cho biết: “Tesla đã từng rất thành công ở Trung Quốc với doanh số bán hàng ấn tượng và mức độ nhận diện thương hiệu cao. Nhưng giờ đây, Tesla phải đối mặt với câu hỏi hóc búa là làm sao có thể đánh bại được các hãng xe nội địa.”
Người mua xe điện tại Trung Quốc luôn bị thu hút bởi những mẫu xe thông minh và ngập tràn công nghệ hiện đại. Hệ thống giải trí trên xe và khả năng nhận dạng giọng nói là hai trong số những yếu tố mà nhiều khách hàng Trung Quốc cân nhắc khi chọn mua xe.
Đơn cử như mẫu xe điện Nio ET7 ăn khách đã được trang bị PanoCinema – buồng lái kỹ thuật số toàn cảnh với các công nghệ điển hình như công nghệ thực tế ảo VR và tương tác thực tế ảo tăng cường AR. Nhờ đó, người lái có trải nghiệm nhập vai – điều mà xe Tesla còn thiếu.
Chưa kể, phần mềm tự lái hoàn toàn (FSD) của Tesla vẫn chưa được chấp thuận ở Trung Quốc. Trong khi đó, mẫu xe điện XPeng lại mới được cung cấp phần mềm X Navigation Guided-Pilot (NGP) vào cuối tháng 3. Phần mềm này tương tự FSD của Tesla, cho phép xe tự động điều hướng ở các đường phố Trung Quốc.
Các hãng xe điện Trung Quốc đang không ngừng cải tiến mỗi ngày (Ảnh: Business News)
Rõ ràng Tesla sẽ bị yếu thế khi những mẫu xe của mình “không được thiết kế riêng cho người lái và hành khách Trung Quốc”, trong khi những mẫu xe điện nội địa lại đang làm tốt điều này.
Bên cạnh tính năng và công nghệ hiện đại, các hãng xe điện Trung Quốc cũng chú trọng đến việc phát triển các mẫu xe có phạm vi hoạt động lớn. Các đối thủ chính của Tesla tại Trung Quốc như Nio, XPeng và Li Auto đã và đang phát triển các mẫu xe chạy bằng pin, từ sedan, coupe đến SUV cỡ lớn với quãng đường di chuyển lớn hơn Tesla Model 3 và Model Y.
Liệu Tesla có thể lấy lại ưu thế của mình? (Ảnh: SCMP)
Trong khi các phiên bản tiêu chuẩn của Model 3 và Model Y do Tesla sản xuất tại Thượng Hải có thể di chuyển quãng đường tương ứng là 556 km và 545 km trong một lần sạc thì các phiên bản tiêu chuẩn của Nio ET7, XPeng P7 và Li Auto L8 có phạm vi hoạt động tương ứng là 530 km, 480 km và 1.315 km.
Vào cuối năm ngoái, Tesla tuyên bố sẽ tiếp tục đổi mới để tăng mức độ phổ biến tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, câu hỏi liệu rằng Tesla có bị “hất cẳng” khỏi cuộc đua xe điện đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn tại thị trường tỷ dân hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhật Minh (theo Business News)
Nhật Minh