Thời hoàng kim, jeepney được mệnh danh là 'Vua đường phố' Philippines. Còn hiện tại, loại phương tiện này đang đối mặt với viễn cảnh bị khai tử.
“Vua đường phố” một thời
Nếu đã từng đến Philippines, chắc ai cũng ấn tượng với jeepney – loại xe rất phổ biến với màu sắc sặc sỡ, bắt mắt.
Jeepney không chỉ là phương tiện giao thông công cộng phổ biến, giá rẻ mà còn là biểu tượng đặc trưng của đất nước Philippines trong suốt 20 năm qua. Đây là những chiếc xe được sửa đổi và sản xuất lại từ những chiếc xe jeep quân đội của Mỹ bị bỏ lại sau Thế chiến II.
Sau đó, từ năm 1953 trở đi, một công ty chuyên sản xuất jeepney được thành lập tên là Sarao Motor. Ban đầu, Sarao Motor sử dụng những chiếc xe jeep quân sự của Willys và Ford để cải tiến lại. Tiếp đó, hãng này chuyển sang sản xuất hoàn toàn với phụ tùng nhập khẩu Nhật Bản.
Những chiếc xe jeepney được trang trí bắt mắt một thời được mệnh danh là “Vua đường phố”
Vì rẻ và phổ thông nên jeepney rất được người dân địa phương ưa chuộng, mỗi năm có hàng triệu lượt sử dụng, tính riêng tại Thủ đô Manila.
Đặc điểm tạo nên văn hóa riêng của những chiếc jeepney chính là những hình vẽ nghệ thuật đầy sống động bên ngoài xe. Chủ xe thường chú trọng sơn và trang trí vật liệu như chrome hay những vật dụng kỳ quái lên xe để thu hút khách từ xa.
Tuy nhiên, qua thời gian, những loại xe này không còn phù hợp vì phát thải cao, mất an toàn, có nơi chở gấp đôi số hành khách quy định.
Xe không có điều hòa nhiệt độ hoặc cửa kính để tránh mưa, nắng, khói bụi và không có dây an toàn. Nếu đi qua khu vực tắc đường, hành khách sẽ hứng đủ mọi loại khói bụi. Vì không có dây an toàn nên người ngồi trong xe chỉ có một chấn song trên trần để giữ tay, rất nguy hiểm khi tài xế tăng tốc, phanh gấp.
Để đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường, chính phủ Philippines dự định thay đổi, cải tiến xe jeepney.
Theo chương trình hiện đại hóa giao thông đã được ban hành, Chính phủ Philippines dự định thay thế xe jeepney chạy bằng dầu diesel bằng xe minibus điện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 hoặc xe jeepney điện sử dụng pin.
Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. thông báo sẽ yêu cầu thay thế tất cả xe jeepney trên toàn quốc bằng xe điện, đồng thời yêu cầu các nhà vận hành, chủ phương tiện phải tham gia hợp tác xã vận tải trước ngày 30/6.
Các hợp tác xã sẽ được hưởng một số quyền lợi như trợ cấp của Chính phủ, các khoản vay theo hình thức thấu chi để hiện đại hóa phương tiện.
Dù đây là chính sách mang đến những phương tiện xanh, sạch và an toàn hơn cho người dân nhưng lại vấp phải sự phản đối kịch liệt từ chính những người dân và giới tài xế.
Mới nhất, các cuộc biểu tình của cánh tài xế Philippines đã buộc cơ quan chức năng phải điều chỉnh hạn chót gia nhập hợp tác xã vận tải vào cuối năm nay.
Có thời điểm, hàng nghìn tài xế lái xe jeepney tham gia cuộc đình công rầm rộ nhằm gây áp lực với chính phủ.
Người biểu tình phản đối kế hoạch loại bỏ xe jeepney cũ tại thành phố Quezon, Philippines. Ảnh: EPA-EFE
Dù Philippines đã hỗ trợ phương thức vận tải miễn phí cho hành khách nhưng theo hãng tin Guardian, các cuộc biểu tình đã có tác động mạnh đến mức nhiều trường học, đại học trên khắp các thành phố lớn phải đóng cửa, tạm dừng học trực tiếp.
Trong đó, chính quyền địa phương tại Manila, TP Quezon, Marikia, Muntinlupa và Pasig ở vùng Thủ đô Philippines thông báo các trường học phải chuyển sang chế độ học trực tuyến.
Chi phí đổi xe mới quá cao
Lý do lớn nhất khiến chính sách trên bị phản đối là vì chi phí chuyển đổi xe quá cao. Ông Mar Valbuena, lãnh đạo nhóm Manibela gồm 15.000 công nhân ngành vận tải cho rằng, chương trình hiện đại hóa của chính phủ sẽ khiến cánh lái xe khốn khổ.
Theo Ủy ban Điều hành và Nhượng quyền thương mại giao thông đường bộ (LTFRB), Philippines hiện có 150.000 xe jeepney, trong đó chưa đầy 7.000 phương tiện là xe điện.
Ông Valbuena chỉ ra, lái xe jeepney thuộc nhóm những người có thu nhập thấp, không đủ khả năng mua xe jeepney điện.
Một chiếc jeepney truyền thống chỉ có giá khoảng 150.000 – 250.000 pesos (64 – 107 triệu đồng) trong khi xe jeepney điện có giá 2,8 triệu pesos (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Mặt khác, một số lái xe tham gia đình công chỉ trích Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. không giữ lời hứa “sẽ không loại bỏ hoàn toàn xe jeepney” khi tranh cử hồi tháng 3/2022.
Ông Nolan Grulla, phát ngôn viên Tổ chức Vận tải UP cho biết: “Trước cuộc bầu cử, ông Marcos Jr. cam kết sẽ không loại bỏ dần xe jeepney cũ nhưng giờ ông ấy đã quên lời hứa”.
Ông Ka Pete, một lái xe tham gia đình công, đề nghị chính phủ Philippines gia hạn khoảng 3 năm trước khi bắt buộc thay thế xe jeepney cũ và hỗ trợ thêm về tài chính để tài xế mua xe jeepney điện.
Bản thân một cảnh sát được huy động giám sát các cuộc biểu tình cũng thừa nhận giá xe jeepney điện quá cao, có thể trở thành gánh nặng tài chính với nhiều tài xế: “Cha tôi cũng từng là lái xe jeepney. Ông đã cố gắng cho ba anh em chúng tôi đi học bằng đồng lương ít ỏi từ nghề này. Nhưng ông đã phải bán xe vào cuối năm ngoái do không có tiền sửa động cơ vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”.
Theo viên cảnh sát, chính phủ nên hỗ trợ tài chính nhiều hơn để giúp lái xe chuyển sang xe jeepney điện.
Trang Trần